Số điện thoại phòng cháy chữa cháy là gì?
Gần đây, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại trong trường hợp xảy ra cháy nổ, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy là vô cùng quan trọng. Điều đầu tiên chúng ta cần làm khi phát hiện hỏa hoạn là gọi ngay đến số điện thoại phòng cháy chữa cháy để báo tin.
Vậy số điện thoại phòng cháy chữa cháy là gì?
Theo quy định hiện hành, số điện thoại 114 được sử dụng để tổ chức và cá nhân liên hệ với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) khi gặp sự cố cháy nổ, tai nạn.
Cung cấp thông tin gì khi gọi số điện thoại phòng cháy chữa cháy?
Khi gọi điện đến số 114, hầu hết mọi người đều đang ở trong tình huống khẩn cấp nên thường sẽ không đủ bình tĩnh để cung cấp đầy đủ thông tin cho lực lượng chức năng, từ đó gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Chính vì vậy, chúng ta nên trang bị kiến thức về thông tin cần cung cấp khi gọi cứu hỏa 114 để đám cháy được tiếp cận nhanh nhất có thể.
Ba câu hỏi then chốt khi gọi số điện thoại phòng cháy chữa cháy là:
- Bạn là ai?
- Cung cấp đầy đủ họ và tên.
- Nêu số điện thoại để lực lượng cứu hộ liên lạc lại.
- Bạn đang ở đâu?
- Cung cấp địa chỉ chính xác nơi xảy ra cháy hoặc sự cố.
- Nếu không biết địa chỉ, hãy miêu tả vị trí (gần trường học, bệnh viện, công viên,…).
- Bạn nhìn thấy gì?
- Mô tả tình hình đám cháy hoặc sự cố: loại nhà, tầng bị cháy, chất cháy, tình trạng người bị nạn,…
- Cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt để lực lượng PCCC và CNCH có phương án xử lý phù hợp.
Ví dụ:
- “Tôi tên là Nguyễn Văn A, số điện thoại 0912345678. Tôi đang ở nhà số 20 phố X, phường Y, quận Z. Nhà tôi đang bị cháy, lửa bắt đầu từ tầng 2, có nhiều người mắc kẹt bên trong.”
- “Tôi không biết địa chỉ cụ thể, nhưng vụ cháy xảy ra gần trường học M, có khói đen bốc lên nghi ngút.”
Bên cạnh đó, có một số điều bạn cần lưu ý khi gọi số điện thoại phòng cháy chữa cháy, đó là: Gọi ngay đến số 114 khi phát hiện cháy hoặc sự cố; giữ bình tĩnh, nói rõ ràng và cung cấp thông tin chính xác; hướng dẫn lực lượng cứu hộ đến hiện trường nếu có thể.
Làm gì khi phát hiện đám cháy?
Bước 1: Giữ bình tĩnh hết mức có thể để xử lý tình huống.
Bước 2: Báo động khẩn cấp.
Sử dụng chuông báo cháy hoặc bất kỳ phương tiện nào khác để báo cháy cho mọi người. Đơn giản nhất, bạn hãy hô to “cháy”.
Bước 3: Ngắt điện.
Ngắt cầu dao điện ở khu vực bị cháy để tránh nguy cơ điện giật và hạn chế đám cháy lan rộng. Chỉ thực hiện thao tác này nếu bạn có thể làm việc đó an toàn.
Bước 4: Gọi số điện thoại phòng cháy chữa cháy 114.
Cung cấp cho lính cứu hỏa thông tin chính xác về địa điểm xảy ra hỏa hoạn, mức độ nghiêm trọng của đám cháy và số người bị mắc kẹt (nếu có). Cố gắng giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của lính cứu hỏa.
Bước 5: Sử dụng các phương tiện chữa cháy.
Nếu đám cháy nhỏ và bạn có thể kiểm soát được, hãy sử dụng bình chữa cháy hoặc các phương tiện chữa cháy khác để dập tắt lửa. Tuyệt đối không cố gắng dập tắt đám cháy lớn nếu bạn không được đào tạo bài bản.
Lưu ý: Bạn nên di chuyển ra khỏi khu vực hỏa hoạn theo hướng dẫn của nhân viên cứu hộ, không nên tự làm theo ý mình hoặc chạy theo đám đông. Sau khi thoát khỏi khu vực đang cháy, bạn không nên quay lại khu vực cháy vì bất cứ lý do gì nếu bạn không được đào tạo bài bản về cứu hỏa. Nếu có khả năng, bạn hãy giúp đỡ những người già, trẻ em hoặc người khuyết tật di chuyển ra ngoài an toàn..
Nguyên tắc phải tuân thủ trong phòng cháy chữa cháy
- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
- Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra
- Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
- Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.